Tổng quan Lương Tài

Điều kiện tự nhiên:

Huyện có địa hình đồng bằng. Sông Thái Bình chảy qua phía đông huyện. Kinh tế huyện thuần nông, chuyên trồng lúa, ngô, cây ăn quả, hoa màu, dâu nuôi tằm, chăn nuôi bò, gia cầm. Nghề thủ công truyền thống là dệt lụa, đúc đồng.

Dân cư - lao động:

Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2013, huyện Lương Tài có 105.000 người. Trong đó dân cư nông thôn chiếm trên 74,1%, dân số thành thị chiếm 25,9%. Thành phần dân số này có xu hướng chuyển dịch theo cơ cấu tăng dân số thành thị và giảm dần số nông thôn.

Từ 1945 trở về trước, huyện Lương Tài ước tính có từ 10 000 đến 30 000 người (nay toàn huyện có trên 100 000 người), tất cả đều là người Kinh (người Việt). Ở miền đất trũng này, nhân dân trong huyện sống bằng nghề làm ruộng là chủ yếu (làm lúa nước). Do đất trũng nên hàng năm ở nhiều xã nước ngập phải đi đò đến ba bốn tháng. Bởi vậy chỉ cấy lúa được một vụ chiêm. Chỉ một ít thôn, xã ven đê và lẻ tẻ có những mảnh ruộng cao trồng thêm các cây màu như: đỗ, lạc, ngô, khoai, cà rốt…

  • Sản xuất nông nghiệp ở một số xã trên địa bàn huyện Lương Tài
  • Một ruộng trồng cà rốt có lắp máy tưới ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân
  • Thu mua cà rốt tại ruộng ven đê sông Thái Bình, thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ
  • Một cánh đồng lúa ở thôn Lương Xá, xã Phú Lương
  • Kênh thủy lợi đoạn qua thôn Nhất Trai, xã Minh Tân
  • Ruộng đồng ven sông Thái Bình, đoạn thuộc thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh

Ngoài nghề trồng lúa nước, từ xưa Lương Tài cũng đã có một số nghề phụ truyền thống chủ yếu phục vụ nhu cầu của địa phương và các huyện lân cận. Nhiều xã, xóm, nơi đồng bãi ở ven đê, trồng khá nhiều dâu và tận dụng các vườn, bờ rào phân cách các nhà để trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Ở các chợ trong huyện có bán các loại vải: vải dương, lụa, tơ tằm. Tiêu biểu cho nghề "dâu, tằm tơ…" bấy giờ là tổng Ngọc Trì (gọi là Lung Bền) nay là thôn Ngọc Trì, xã Bình Định. Nghề bện thừng ở thị trấn Thứa (xã Phá Lãng cũ); nghề đan lưới đánh cá ở xã Phú Lương, nghề đan võng ở An Trụ (xã An Thịnh), nghề làm bánh đa ở Tử Nê (xã Tân Lãng) và nghề đúc đồng ở thôn Quảng Bố, tổng Quảng Bố nay là xã Quảng Phú… Các nghề phụ là nghề chỉ làm tranh thủ những khi nông nhàn hoặc các thời gian không lao động ngoài trời ngày mưa rét, trưa hè nắng gắt, ban đêm.

Ngày nay ngoài nghề chính là nghề trồng lúa nước mà hiện nay ruộng đất đã xoay vòng từ 2 đến 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ màu) nên năng suất lúa càng ngày càng cao.

Dân số Lương Tài là dân số trẻ, trên 60% trong độ tuổi lao động. Với chất lượng ngày càng được nâng cao đội ngũ dân số trẻ này là lực lượng lao động hùng hậu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của huyện Lương Tài cũng như tỉnh Bắc Ninh.

  • Chợ Thứa - trung tâm buôn bán lớn của huyện Lương Tài
  • Cổng Chợ Thứa phía đường Vũ Giới
  • Các gian hàng quần áo bên trong Chợ Thứa
  • Các gian hàng hoa tươi bên trong Chợ Thứa
  • Các gian hàng hoa quả bên trong Chợ Thứa
  • Các gian hàng đồ chơi, túi, cặp xách, mũ nón bên trong Chợ Thứa

Giao thông:

Về giao thông, huyện Lương Tài có đường liên tỉnh chạy qua. Huyện Lương Tài cũng như tỉnh Bắc Ninh nói chung có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải. Huyện Lương Tài có các trục giao thông huyết mạch nhằm phát triển kinh tế xã hội là tỉnh lộ 280, 281, 284, 285 nối Lương Tài với Gia Bình, Thuận Thành (Bắc Ninh), Lương Tài với Cẩm Giàng (Hải Dương). Mạng lưới giao thông huyện Lương Tài chủ yếu là đường bộ, đường thuỷ. Nhiều đường ở nông thôn được nâng cấp và xây dựng mới, góp phần tích cực vào việc mở rộng thông thương, khai thác tiềm năng của huyện.

  • Một số tuyến đường, phố trên địa bàn huyện Lương Tài
  • Một đoạn đường Lý Thái Tổ, gần Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Lương Tài
  • Một góc phố Kênh Vàng, xã Trung Kênh
  • Một phần đường 281 đoạn qua Cầu Đò, thôn Cường Tráng, xã An Thịnh
  • Đường đê sông Thái Bình, đoạn qua thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ
  • Một phần đường 285, đoạn qua xã Phú Hòa

Thông tin liên lạc:

Tháp thu phát sóng thị trấn Thứa, huyện Lương Tài

Mạng lưới bưu chính viễn thông đã thay đổi căn bản từ hệ analog lạc hậu sang hệ digital hiện đại. Mạng thông tin di động và Internet tuy mới xuất hiện nhưng đã phát triển rất nhanh. Hoạt động của các mạng công nghệ thông tin đã góp phần đáng kể trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các cơ quan Đảng và Nhà nước huyện Lương Tài. Tuy nhiên đến năm 2016 trên địa bàn huyện Lương Tài mới chỉ có 1 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng (tại thị trấn Thứa), con số khá khiêm tốn so với các huyện khác như Gia Bình 2 điểm, Thuận Thành 3 điểm, Yên Phong 3 điểm... Trong thời gian tới cần tăng số địa điểm cung cấp dịch vụ để người dân được thuận tiện trong việc tiếp cận với hệ thống thông tin liên lạc.[3]

Giáo dục:

Huyện Lương Tài có trường Trung học phổ thông khá nổi tiếng trong tỉnh là Trường THPT Lương Tài. Trường được thành lập năm 1953. Là trường THPT khá lâu đời ở tỉnh Bắc Ninh.[4]

Mạng lưới trường học ở tất cả các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phát triển đều khắp trên địa bàn toàn huyện. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trong các trường ngày càng được củng cố về chất lượng và phát triển về số lượng theo hướng chuẩn hoá. Tính đến nay toàn huyện đã có hơn 51 trường ở tất cả các bậc học. Theo đó chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng cao. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh và phát triển bằng các hoạt động thiết thực thông qua các trung tâm giáo dục cộng đồng, các hội khuyến học huyện đến các thôn làng, dòng họ đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của giáo dục của huyện Lương Tài.

  • Một số trường học trong huyện Lương Tài
  • Trường THPT Lương Tài
  • Trường THCS Hàn Thuyên
  • Trường Tiểu học thị trấn Thứa

Tôn giáo:

Về mặt tôn giáo, huyện Lương Tài có 2 tôn giáo chính là: Phật giáoThiên Chúa giáo. Trải qua quá trình lịch sử, đặc biệt là sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, nhân dân bên lương và bên giáo luôn sống chung và giữ vững đoàn kết.

  • Một số di tích lịch sử, văn hóa của huyện Lương Tài
  • Chùa thôn Nhất Trai, xã Minh Tân
  • Chùa Nghiêm Quang, thôn Thận Trai, xã Minh Tân
  • Đình thôn Cổ Lãm, xã Bình Định
  • Chùa thôn Ngọc Trì, xã Bình Định
  • Chùa Kênh Vàng, xã Trung Kênh

Tất cả mọi người được hưởng quyền tự do, dân chủ (có thể theo đạo Phật, đạo Thiên chúa hoặc không theo đạo nào). Trong lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm đúng mức. Nhiều chùa triền, nhiều nhà thờ công giáo được trùng tu hoặc xây dựng lại ngày càng khang trang. Các đình, đền, miếu, các di tích lịch sử được xây dựng hoặc tu bổ…chính là nơi giáo dục truyền thống "yêu đất nước, quê hương" cho thế hệ ngày nay cũng như các thế hệ mai sau.

Bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ. Quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác... Người theo tôn giáo không phải sống thế nào cũng được, mà phải sống theo những khuôn phép đạo đức hợp với tín điều của tôn giáo mình, hành động không phải chỉ là thực hành một số hình thức nghi lễ, mà còn phải sống theo những quy tắc đạo đức nhất định.[5] Niềm tin tôn giáo giúp người dân trên địa bàn huyện Lương Tài tiếp cận với những tư tưởng, đạo đức tôn giáo tốt đẹp, góp phần tạo ra nếp sống tiến bộ, văn minh, hài hòa, đoàn kết, tạo sự phát triển ổn định về mặt văn hóa - xã hội.